Bạn có biết, kể từ khi chỉ mới 3,4 tuổi, trẻ em ở Nhật luôn tự đi bộ đến trường hoặc bắt xe đi học? Chăm chỉ, lễ phép, kỉ luật, yêu thương gia đình nhưng cũng hết sức tự tin táo bạo là những đức tính khiến cả thế giới ngưỡng mộ ở những đứa bé của đất nước mặt trời mọc. Nhưng đằng sau đó là cả một bí mật về cách giáo dục đặc biệt của cha mẹ với những thông điệp đầy tính nhân văn.
Sống tự lập, tự lực
Một trong những điều đầu tiên khiến cả thế giới ngưỡng mộ cách giáo dục con cái của người Nhật đó là tính kỉ luật và cách sống tự lập. Ở đất nước mặt trời mọc, đứa trẻ từ khi còn bé xíu đã được kỳ vọng sống tự lập, tự lực để tự đi học, dù có phải bắt xe bus hay tàu điện ngầm hay băng qua đường phố đông đúc.
Để rèn luyện những đức tính này, ngay từ khi con sinh ra bố mẹ Nhật đã xây dựng nên những quy định, nề nếp nhất định bắt buộc con phải làm theo. Những nề nếp đó được diễn ra thường xuyên, hàng ngày và ngày càng hoàn thiện, loại bỏ đi hành vi xấu. Qua thời gian, những nguyên tắc này sẽ trở thành thói quen phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống như chuẩn bị bữa ăn, cách lau dọn nhà cửa, cách chào hỏi, xưng hô,…
Găn bó nhưng không bao bọc
Ở Nhật Bản, các bậc phụ huynh có thói quen đưa con nhỏ ra ngoài cùng mình từ đi dạo, đi mua sắm, đến phòng tắm nước nóng công cộng, thậm chí cả đi trượt tuyết dù là trong thời tiết khắc nghiệt.
Cha mẹ vẫn thân thiết, gần gũi, đồng hành cùng con, nhưng không phải là ôm ấp và hôn hít. Họ có thể cho phép con mình tự lập đến trường bằng cách tự đi bộ, bắt xe, mang đồ… tuy nhiên trước đó là những bài học, những sự chuẩn bị chu đáo và tỉ mỉ.
Dạy dỗ chốn riêng tư
Kate Lewis, nhà văn tự do người Mỹ hiện sống cùng gia đình ở xứ sở mặt trời mọc đã chia sẻ trên Savvy Tokyo ngày 20/3/2017 một câu chuyện đặc biệt mà cô bắt gặp. Một ngày nọ, trên một chuyến tàu, cô thấy một đứa trẻ đang cáu kỉnh và không muốn về nhà. Người bố đã nhanh chóng kéo cả nhà ra khỏi tàu. Cánh cửa đóng lại và đoàn tàu rời bánh, nhưng Kate Lewis vẫn kịp nhìn thấy thấy anh ngồi thụp xuống cạnh con trai giữa sân ga vắng vẻ và bắt đầu trách mắng.
Từ câu chuyện này, Kate đã”giải mã” thêm được một thông điệp khác trong cách dạy con của bố mẹ Nhật đó là sự riêng tư. Khi trẻ có những hành vi sai trái, phụ huynh Nhật Bản luôn cố gắng đợi đến khoảnh khắc riêng tư mới thảo luận. Đây là một cách giữ thể diện cho trẻ, cũng như giữ thể diện cho chính mình. Hành vi của trẻ em Nhật Bản nơi công cộng được xây dựng phần nào cũng nhờ cách dạy này bởi bố mẹ chính là tấm gương để trẻ soi chiếu và thể hiện hành vi nơi công cộng.
Không quy chụp, áp đặt
Có một câu nói rằng: ““Khi bạn mắng con bạn là đồ con lợn 10 lần, chúng sẽ kêu ụt ịt vào lần thứ 11”, điều này cho thấy, việc mắng nhiếc con không bao giờ khiến đứa trẻ tốt lên mà chỉ khiến chúng tin mình thực sự là người như vậy. Do vậy, trong quá trình dạy dỗ con, cha mẹ Nhật hầu như ít khi dùng đến những quy kết như “Con thật lười biếng” hoặc “Sao con hư thế”… bởi họ hiểu khi dùng những lời lẽ tiêu cực và quy chụp để mắng dạy con, trẻ con sẽ bị giáo dục đúng theo lối bị phủ nhận đó.
Ngược lại, trong cách khen con, thay vì dùng những câu chung chung như “con giỏi quá”, “con làm rất tốt”… thì người Nhật có xu hướng khen những hành vi cụ thể mà trẻ đã làm như “con lau nhà rất giỏi”, “con xúc cơm cừ quá”… Những câu khen ngợi chung chung sẽ khiến con tự phụ nhưng lại chẳng biết mình thực sự làm tốt ở chỗ nào. Còn khi trẻ được khen về một hành động cụ thể nào đó, chúng sẽ cố gắng làm tốt việc đó ở những lần kế tiếp để lại được cha mẹ hài lòng và khen ngợi.